Do có nhiều ưu điểm như dễ hàn, thao tác được ở mọi vị trí, thiết bị rẻ tiền, hàn hồ quang tay là phương pháp được sử dụng rộng rãi hiện nay. có rất nhiều các yếu tố gây hại cho người thợ hàn khi hàn hồ quang tay như khói hàn, bức xạ và nhiệt độ của ngọn lửa hồ quang, giật điện, bỏng do tia lửa kim loại nóng chảy bắn ra … Vì vậy người thợ hàn cần lưu ý các vấn đề như:
- Bảo vệ mắt và da tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng hồ quang,
- Chỗ làm việc phải thông thoáng, tốt nhất là có hệ thống hút khói trong xưởng hàn,
- Giữ khoảng cách với mối hàn nóng chảy, tránh kim loại nóng chảy bắn tóe vào người khi hàn bằng cách dùng đồ bảo hộ phù hợp,
- Cần lưu ý khi gõ xỉ hàn vì lúc này xỉ hàn vẫn còn nóng và có thể gây hại cho những vùng da nhạy cảm.
Tránh bức xạ của ngọn lửa hồ quang
Ngọn lửa hồ quang khi hàn hồ quang tay có bức xạ rất mạnh, chỉ cần tiếp xúc trong thời gian ngắn là có thể làm tổn thương cho da hoặc có thể làm bỏng giác mạc mắt, gây cảm giác khó chịu, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và hiệu quả làm việc của người thợ hàn.
Sử dụng mặt nạ hàn là một giải pháp hiệu quả. Mặt nạ có độ tối cố định có giá thành rẻ nhưng có nhiều bất tiện khi sử dụng, mặt nạ cảm quang giá cao hơn nhưng rất tiện lợi khi hàn.
Ảnh hưởng của khói hàn
Không khí được gọi là “trong lành” nếu như 1 m3 không khí sạch chứa ít hơn 5mg khói hàn, thực tế trong các xưởng hàn thì lượng khói hàn lớn hơn rất nhiều lần cho phép.
Lời khuyên tốt nhất là hạn chế tiếp xúc càng nhiều càng tốt, nơi làm việc phải thông thoáng, và người thợ nên bảo vệ tốt vùng mặt cùng đầu của mình.
Khi hàn các loại thép không gỉ, hợp kim đắp cứng bề mặt, một số que hàn thành phần thuốc bọc có chứa flo, que hàn gang… nên sử dụng loại mũ hàn có cấp khí thở.
Cẩn thận trước sự bắn tóe của kim loại nóng chảy và xỉ hàn
Khi hàn hồ quang có rất nhiều tia lửa bắn tóe ra xung quanh. Không nên ở quá gần mối hàn nóng chảy. Các tia lửa gây cháy quần, áo và rất nguy hiểm nếu như bị lọt vào cổ hoặc giày. Người thợ nên mặc đồ bảo hộ chuyên dùng để hàn như quần áo tạp dề bằng da, đầu chùm khăn kết hợp với đeo mặt nạ hàn.
Xung quanh vị trí hàn cần sạch sẽ và không gồm các tác nhân dễ bắt lửa. Cần bố trí 1 bình cứu hỏa để gần khu vực hàn, phòng khi cháy nổ.
Đề phòng điện giật
Trước khi hàn, người thợ cần kiểm tra các chi tiết như:
– Dây cáp có bị sờn mòn, hở hay không?
– Các tiếp điểm phải tiếp xúc kín và chắc chắn.
– Kìm hàn phải khô ráo và cách nhiệt, cách điện tốt.
– Đeo găng tay khi hàn.
Tuy trong trường hợp này điện giật ít có khả năng nguy hiểm tới tính mạng nhưng nó sẽ rất nguy hiểm nếu như người thợ thao tác ở trên cao hoặc dưới nước hoặc trong trường hợp nào đó…