slogan
Home / Kỹ Thuật Hàn / Kỹ thuật hàn TIG

Kỹ thuật hàn TIG

Thao tác hàn TIG

Để luyện tập kỹ năng hàn TIG nên sử dụng vật hàn có chiều dày 2 đến 3mm. Với chiều dày lớn, vật hàn dầy sẽ có bể hàn lớn và dễ dàng kiểm soát hơn so với vật hàn có chiều dày mỏng, điều này giúp người thợ có thể dễ dàng học, phát triển những kỹ năng hơn là ‘đánh vật’ với những tấm mỏng dễ cháy thủng.

Khi tập hàn TIG người thợ phải cần có kỹ năng kiểm soát khoảng cách từ kim hàn đến vật hàn để hồ quang ổn định.

Khi thao tác cần ngồi thoải mái, 2 tay để tự nhiên không nên tỳ vào bàn hàn, cáp hàn phía mỏ hàn được quấn 1 vòng lên tay thợ để dễ dàng điều khiển mỏ hàn hơn.

Đầu thợ hàn nghiêng sang 1 bên để dễ dàng quan sát vũng hàn. Khi nhìn vào phải thấy được sự hoạt động của vũng hàn và điểm cần chấm của que bù.

Thao tác hàn TIG không có hồ quang

Quá trình hàn TIG khá là tỉ mỉ, mỏ hàn chuyển động đều và dừng lại một chút khi thêm kim loại phụ.

Mỏ hàn được giữ nghiêng khoảng 20 độ so với chiều dọc và nghiêng theo chiều sao cho đầu kim hàn nghiêng theo hướng hàn. Góc nghiên giữa mỏ và que bù thường để 90 độ.

Khoảng cách giữa đầu kim hàn và vật hàn bằng 1 hoặc l.5 lần đường kính kim hàn.
Bạn nên thực tập trước với mỏ hàn không có hồ quang trước để định sẵn được đường hàn và cố gắng duy trì góc nghiêng điện mỏ hàn, khoảng các giữa kim hàn và vật hàn sau đó hãy luyện tập với hồ quang.

Thực hành hàn TIG với hồ quang

Bắt đầu bằng cách gây hồ quang, bạn có thể cảm nhận sự nóng chảy của vũng hàn. Có nhiều máy TIG có chế độ gây hồ quang bằng xung thì việc gây khá dễ dàng, người thợ chỉ cần đặt kim hàn cách vật hàn khoảng 1mm rồi bấm nút là xuất hiện hồ quang. Với các máy hàn không có chế độ gây bằng xung thì cần chạm nhẹ kim hàn vào vật hàn và bấm nút sau đó nhấc kim hàn, hồ quang sẽ xuất hiện.

Tiếp theo là tập hàn chỉ với mỏ hàn (không có que bù) để có thể nhìn nhận rõ ràng sự di chuyển của vũng hàn nóng chảy và duy trì chiều dài hồ quang một cách chính xác, ổn định. Sau đó hãy thực hành với que bù.

-Khoảng cách giữa điện cực và vật hàn vào khoảng 2mm,bạn phải ước lượng khoảng cách bằng cách chạm vào vật hàn rồi kéo mỏ hàn lên 1 khoảng sau đó mới bật công tắc hàn.
-Sau khi mồi hồ quang, mỏ hàn được giữ cố định trong vài giây để tạo vũng hàn nóng chảy, kích thước vũng hàn sẽ quyết định bề rộng của mối hàn sau này. Vũng hàn nóng chảy lớn dẫn đến bề rộng và độ ngấu lớn và ngược lại.
-Bạn có thể nhìn thấy đầu của kim hàn được phản chiếu trong vũng hàn. Chiều dài hồ quang có thể phán đoán qua khoảng cách giữa đầu kim hàn và hình chiều của nó trên vũng hàn. Khi đã thành thạo, bạn có thể xác định được chiều dài hồ quang qua chiều rộng và chiều cao của nó.
-Khi thêm que bù không được cho đầu que vào tâm vũng hàn như vậy sẽ làm cho que bù bị chảy và vón cục trên mối hàn, chỉ chấm đầu que vào mép của vũng hàn. Que phụ sẽ làm nguội phần nào vũng hàn.
-Que bù phải luôn để gần mỏ hàn (trong vòng bảo vệ của khí trơ) để tránh bị nguội và bị oxy hóa.
-Khi kết thúc đường hàn, mỏ hàn cần lùi lại một chút sau đó mới tắt công tắc hàn. Giữ mỏ hàn tại vị trí đó cho đến khi ra hết khí. Khí này có chức năng bảo vệ kim hàn và vũng hàn nóng chảy.

Ban đầu hãy luyện tập kỹ năng duy trì chiều dài hồ quang bằng cách thao tác mỏ hàn không có hồ quang, lúc này bạn chỉ cần chú ý tới việc di chuyển mỏ hàn với tốc độ ổn định và giữ không đổi khoảng cách giữa kim hàn và vật hàn. Khi đã thành thục kỹ năng này hãy luyện tập với hồ quang và giữ vũng hàn có kích thước ổn định. Cuối cùng là hàn sử dụng que bù, học cách đưa que, giữ que và chấm que vào vũng hàn.

Để có mối hàn TIG đạt chất lượng trong khi hàn bạn phải để ý tới rất nhiều thứ vì vậy bạn nên chia nhỏ và tập từng kỹ năng, như vậy sẽ hiệu quả và tiến bộ nhanh hơn.

Đánh Giá Bài Viết
NextGen ScrollGallery thumbnailNextGen ScrollGallery thumbnailNextGen ScrollGallery thumbnailNextGen ScrollGallery thumbnailNextGen ScrollGallery thumbnailNextGen ScrollGallery thumbnailNextGen ScrollGallery thumbnailNextGen ScrollGallery thumbnail